Hiểu rõ hơn về cách phân loại phụ tùng xe hơi

Có lẽ bạn đã từng nghe đến linh kiện và phụ tùng OEM, tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ ý nghĩa của chúng.

Phụ tùng OEM là gì?

phu-tung-oem-la-gi

Phụ tùng OEM là sản phẩm chi tiết của nhà cung cấp cho một hãng xe được bán ra ngoài thị trường dưới thương hiệu riêng của nhà cung cấp. Các nhà sản xuất xe hơi thường không sản xuất toàn bộ phụ tùng cho xe của họ. Đa phần các nhà sản xuất dùng phụ tùng của các nhà cung cấp – do nhà cung cấp thiết kế và sản xuất – đóng vào bao bì riêng với logo hoặc nhãn hiệu của nhà sản xuất xe hơi để người dùng tin rằng họ đang mua sản phẩm chính hãng.

Nhà sản xuất xe hơi và nhà cung cấp có những điều kiện riêng ràng buộc nhau để nhà cung cấp sau một thời gian nhất định có thế sản xuất và bán lẻ phụ tùng ra thị trường dưới thương hiệu riêng của nhà cung cấp. Loại phụ tùng này không phải là hàng thứ cấp, chất lượng kém với bao bì khác, mà hoàn toàn giống với phụ tùng trên xe của nhà sản xuất nhưng bán với giá rẻ hơn thông thường khoảng 70%.

Aftermarket là loại phụ tùng trái ngược với OEM. Loại phụ tùng này do các công ty ngoài – không phải là nhà cung cấp chính hãng – sản xuất đồ thay thế cho một loại sản phẩm, một mác xe nhưng không liên quan đến nhà sản xuất.

Thông thường loại đồ này cũng được sản xuất trên các loại máy gia công chính xác với vật liệu giống như đồ chính hãng. Nhưng đôi khi hình thức của loại phụ tùng này không nhất thiết phải giống hệt đồ chính hãng vì các công ty sản xuất phụ tùng ngoài không theo thiết kế của nhà cung cấp. Một số công ty ngoài việc nhượng quyền sản xuất phụ tùng thay thế còn có thiết kế riêng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này khiến các sản phẩm “Aftermarket” nhiều khi có chất lượng tốt hơn đồ chính hãng nhưng lại có giá rẻ hơn.

Hiểu được điều này sẽ giúp cho người dùng dễ dàng lựa chọn đồ thay thế cho xe nếu biết rõ thương hiệu của nhà cung cấp hay các công ty cung cấp phụ tùng thay thế có uy tín. Xin nhớ, mua đồ chính hãng không có nghĩa có được sản phẩm tốt hơn; cùng chất lượng đó nhưng sản phẩm OEM, “Aftermarket” lại có giá rẻ hơn nhiều.

BẠN HIỂU OEM, ODM & OBM LÀ GÌ?

Cả hai cụm từ OEM và ODM đều rất quen thuộc trong ngành sản xuất công nghiệp. OEM là viết tắt của cụm từ Original Equipment Manufacturing (tạm dịch: sản xuất thiết bị gốc), còn ODM là viết tắt của Original Design Manufacturing (tạm dịch: sản xuất “thiết kế” gốc). Hai khái niệm khá tương đồng nhau nên đôi khi người nghe hay bị nhầm lẫn. Dưới đây, chúng ta sẽ cùng phân biệt hai khái niệm này.

Khái niệm OEM

OEM thường được dùng để chỉ các công ty, công xưởng thực hiện các công việc sản xuất theo thiết kế, thông số kỹ thuật được đặt trước và bán sản phẩm cho công ty khác (chịu trách nhiệm phân phối). Một cách dễ hiểu hơn, công ty OEM sẽ sản xuất “hộ” cho công ty khác. Sản phẩm được đưa ra thị trường dưới thương hiệu của công ty đặt làm sản phẩm.

Một ví dụ cho hình thức OEM đó là mối quan hệ giữa Apple và Foxconn trong sản xuất điện thoại Iphone. Trong đó Apple đóng vai trò khách hàng, đảm nhiệm việc nghiên cứu công nghệ và phân phối sản phẩm. Còn Foxconn là công ty OEM, sản xuất ra sản phẩm thực tế từ những khối nhôm đầu tiên.

minh-hoa-ve-phuong-thuc-oem
Minh hoạ về phương thức OEM

Khái niệm ODM

ODM là khái niệm để chỉ các công ty, công xưởng đảm nhiệm việc thiết kế, xây dựng các sản phẩm theo yêu cầu. Nếu bạn gặp khó khăn và hạn chế trong việc thiết kế sản phẩm thì các công ty ODM sẽ giúp bạn biến các ý tưởng thành một thiết kế thực sự. Những năm gần đây số lượng công ty ODM đang tăng mạnh trên toàn thế giới. Một công ty ODM thường có nhiều đối tác khác nhau, đảm nhận một phần không nhỏ trong quá trình sản xuất.

minh-hoa-ve-phuong-thuc-odm
Minh hoạ về phương thức ODM

Khái niệm OBM

Ngoài hai khái niệm trên, trong sản xuất công nghiệp còn có khái niệm OBM- Original Brand Manufacturing (tạm dịch: sản xuất thương hiệu gốc). Đây là khái niệm để chỉ các công ty không tham gia vào quá trình thiết kế hay sản xuất mà chỉ phát triển thương hiệu. Các công ty đó mua lại sản phẩm được chế tác hoàn toàn bởi công ty khác và chỉ đóng thương hiệu của mình lên đó để làm tăng giá trị cho sản phẩm.

minh-hoa-ve-phuong-thuc-obm
Minh hoạ về phương thức OBM

Quay trở lại với OEM và ODM, điểm khác biệt cơ bản đó là các công ty OEM tham gia vào quá trình sản xuất thực tế, còn công ty ODM thường chỉ đơn thuần thiết kế chứ không trực tiếp tham gia sản xuất. Do vậy, để thu hút các khách hàng, các công ty ODM thường mua lại các nguyên mẫu (prototype) từ các công ty khác, để minh hoạ trình độ kỹ thuật, chủng loại sản phẩm mà họ có thể đảm nhiệm. Các nguyên mẫu này đôi khi được đăng lên website như các “sản phẩm thực”, dễ làm cho khách hàng bị hiểu lầm. Nếu một công ty chỉ đăng sản phẩm mà không kèm hướng dẫn để mua, đặt mua sản phẩm thì nhiều khả năng đó là công ty ODM.

Ưu điểm của chiến lược OEM đó là giúp cho các đối tác nhận được sản phẩm mà không cần phải xây dựng một nhà xưởng mới. Thông qua đó, chi phí sản xuất có thể giảm xuống. Tuy nhiên, các công ty này sẽ có khả năng tiếp cận với các tri thức, các kết quả nghiên cứu- R&D mà công ty khách hàng đang nắm giữ vì vậy vấn đề lựa chọn nhà sản xuất, nhà cung ứng đáng tin cậy luôn cần phải được đặt lên hàng đầu. Các công ty sản xuất của Trung Quốc và Hàn Quốc thường bắt đầu từ OEM rồi mới chuyển sang chiến lược OBM.

Ngược lại, đối với ODM, bạn không phải lo lắng nhiều về việc bị ăn cắp công nghệ. Nhưng các sản phẩm được làm ra theo thông số kỹ thuật của đối tác nên đôi khi sẽ gây ra khó khăn khi bạn bắt tay vào sản xuất. Để tránh điều này, tốt nhất hãy luôn đặt ra một giới hạn nhất định về thiết kế.